Vì sao Blockchain chưa phổ biến trong các doanh nghiệp Việt Nam?

Các chuyên gia đánh giá, Blockchain sở hữu nhiều ưu điểm nhưng vẫn chỉ là một công cụ. Để công nghệ này có thể ứng dụng rộng rãi, Việt Nam cần xây dựng đồng bộ cơ sở hạ tầng, hệ thống pháp lý và sự ủng hộ của nhiều doanh nghiệp khác nhau.
Vì sao Blockchain chưa phổ biến trong các doanh nghiệp Việt Nam?
avata
Cryptoday
07/04/2023
23:49
Cryptoday trênGoogle News

Tại buổi hội thảo về chủ đề ứng dụng Blockchain trong thương mại quốc tế do Hiệp hội Blockchain Việt Nam (VBA) tổ chức, ông Eric Hưng, CEO nền tảng gọi vốn Spores Network cho biết công nghệ Blockchain đang kết hợp với doanh nghiệp theo 2 phương án bao gồm: truy xuất nguồn gốc hàng hóa và hỗ trợ thanh toán.

Tuy nhiên, bản chất Blockchain vẫn là một công cụ. Các đơn vị kinh doanh không quan tâm hệ thống của họ có ứng dụng Blockchain trong vận hành hay không. Trên thực tế, giới chủ doanh nghiệp cần một giải pháp giúp họ “marketing” tốt hơn, thu hút nhiều khách hàng hơn, bán được nhiều sản phẩm hơn. Ở những khía cạnh này, công nghệ Blockchain hiện tại chưa cho thấy tính ưu việt so với các giải pháp cũ.

“Theo Peter Thiel, tác giả cuốn sách khởi nghiệp nổi tiếng “Zero to One”, để được cộng đồng chấp nhận rộng rãi, một ý tưởng mới phải mang lại hiệu quả gấp 10 lần giải pháp cũ. Đây là điểm mà công nghệ Blockchain vẫn đang loay hoay. Đôi khi áp dụng Web3 chưa chắc giải quyết được bài toán khó trên Web2”, CEO Eric Hưng giải thích.

Khó khăn khi ứng dụng công nghệ Blockchain vào kinh doanh

Truy xuất nguồn gốc sản phẩm là lĩnh vực được nhiều đơn vị lên ý tưởng áp dụng cùng Blockchain. Theo ông Eric Hưng, khó khăn của sự kết hợp này không nằm ở nền tảng Blockchain, chính những quy trình cũ khiến nó khó hoạt động hiệu quả.

“Vào năm 2018, một người bạn của tôi dự định phát triển hệ thống truy xuất nguồn gốc bình ga nhờ công nghệ Blockchain. Anh ta muốn chứng minh bình ga của mình là hàng mới, không phải loại bình đã bơm đi bơm lại nhiều lần. Dùng Blockchain để quản lý soát công việc phân phối bình ga rất dễ, nhưng các bước trung gian lại nảy sinh nhiều bất cập.”, ông Eric Hưng nói.

Ứng dụng Blockchain
Ông Eric Hưng lấy ví dụ ý dự án truy xuất nguồn gốc bình ga bằng công nghệ Blockchain để giải thích những bất cập hiện tại.

Ví dụ, mỗi bình sẽ có một tem chứa mã QR code để xác định hàng mới. Tuy nhiên, không có gì đảm bảo người dán nhãn không gian dối và gắn nó lên bình cũ. Ở bước tiếp theo, đơn vị vận chuyển cần quét mã QR code và họ có thể tiếp nối sai lầm của người dán nhãn. Cuối cùng, khách hàng nhận bình ga phải quét mã để tra cứu nguồn gốc và ngay cả bước này cũng có sai số.

“Như vậy, thứ dễ gây sai sót là cả quy trình. Cần nhiều yếu tố khác để một ý tưởng kết hợp cùng công nghệ Blockchain có thể thành công”, ông Eric Hưng nhận xét.

Về ứng dụng Blockchain trong thanh toán và thương mại quốc tế, ông Nguyễn Minh Tuấn, CEO quỹ AFA Capital cho biết những ngân hàng lớn tại Việt Nam cũng đang gặp một số khúc mắc.

Cụ thể, trong buổi giao lưu giữa Hiệp hội Ngân hàng và Hiệp hội Blockchain, Vietcombank, một trong những đơn vị hàng đầu về thanh toán quốc tế ở Việt Nam tiết lộ đang thử triển khai Blockchain vào 2 mảng: Loyalty Point (điểm khách hàng thân thiết) và Trade Finance hay “Tài trợ thương mại” (các giao dịch trung gian do ngân hàng thực hiện nhằm hỗ trợ khách hàng).

Đại diện ngân hàng Vietcombank chia sẻ, về mặt nghiệp vụ, việc tích hợp Blockchain không phải vấn đề lớn. Mặc dù vậy, thứ quan trọng đối với hoạt động ngân hàng là các ngân hàng đại lý, ví dụ Vietcombank đang có đến 1.700 ngân hàng đại lý. Do đó, bài toán kết hợp Blockchain ở tất cả các chi nhánh ngân hàng khiến họ gặp bối rối.

“Các ngân hàng luôn chú trọng tính bảo mật, an toàn hơn những ứng dụng giúp tăng sự tiện lợi, nhanh chóng. Ngoài ra, tôi tin rằng chi phí giao dịch qua Blockchain ở giai đoạn này chưa tiết kiệm hơn quá nhiều so với công nghệ cũ”, ông Nguyễn Minh Tuấn nói.

Ứng dụng Blockchain
Ông Nguyễn Minh Tuấn, CEO quỹ AFA Capital đánh giá chi phí giao dịch qua Blockchain chưa tối ưu.

Giải pháp là gì?

Theo ông Nguyễn Minh Tuấn, CEO quỹ AFA Capital, Việt Nam cần phát triển cơ sở hạ tầng công nghệ trước khi có thể ứng dụng rộng rãi mạng lưới Blockchain vào hoạt động kinh doanh.

“Chúng tôi và đối tác có thể hoàn thiện các hợp đồng, sau đó, dữ liệu từ đó được mã hóa và lưu trữ trên mạng lưới Blockchain. Tuy nhiên, nếu những bộ chứng từ này liên quan tới lĩnh vực xuất nhập khẩu, nó vẫn phải qua bộ phận hải quan để kiểm tra, phê duyệt. Trong trường hợp ngành hải quan chưa triển khai công nghệ Blockchain, hệ thống của họ không thể đồng bộ dữ liệu trong chứng từ và hàng hóa của tôi chắc chắn không được thông quan”, ông Tuấn nói.

Ông Eric Hưng đồng ý với quan điểm nên sớm nâng cấp cơ sở hạ tầng công nghệ. Thậm chí, ông đánh giá hạ tầng đang là vấn đề lớn nhất Việt Nam phải đối mặt nếu muốn áp dụng Blockchain vào nhiều ngành nghề.

Ngoài ra, Việt Nam cũng cần đào tạo thêm nhiều nhân sự ngành Blockchain. Hiện những số lượng kỹ sư trong lĩnh vực này chưa đủ đáp ứng nhu cầu cả nước.

“Trong cuộc gặp gỡ với ngành Hải quan, họ cho biết lượng nhân sự công nghệ của ngành đang quá ít. Vì vậy, các nhà quản lý phải hướng đến phương án “outsource” hay thuê kỹ sư giỏi từ các nguồn bên ngoài”, ông Hưng chia sẻ.

Theo ông Hưng, chất lượng kỹ sư công nghệ của Việt Nam khá tốt, nhưng thu nhập lại thấp hơn kỹ sư nước ngoài ở cùng vị trí. Đây có thể là lý do khiến số lượng nhân sự chưa đông đảo. Ở một số giai đoạn, kỹ sư Blockchain thiếu hụt đến mức các công ty Blockchain phải tuyển chọn kỹ sư thông thường, sau đó chấp nhận vừa trả tiền lương vừa đào tạo lại từ đầu.

Ứng dụng Blockchain
Theo ông Eric Hưng, CBDC có thể là giải pháp đáp ứng cả khía cạnh công nghệ và pháp lý.

Bên cạnh nâng cấp hạ tầng công nghệ và nguồn nhân sự, ông Hưng nhấn mạnh vấn đề pháp lý và CBDC (đồng tiền điện tử của Ngân hàng Trung ương) sẽ là nút thắt cần mở để khai thông nguồn vốn đổ vào lĩnh vực Blockchain. Nói cách khác, CBDC đóng vai trò rất quan trọng vì nó là đồng tiền điện tử phát hành bởi Chính phủ, do đó vừa đáp ứng yêu cầu về công nghệ vừa thỏa mãn quy định pháp lý.

Khi các yếu tố trên được giải quyết, ông Hưng cho rằng người Việt Nam có thêm nhiều cơ hội đầu tư rất béo bở.

“Blockchain còn giúp phi tập trung hóa lĩnh vực tài chính, một người ở xa cũng có thể tham gia đầu tư sớm vào các dự án ở nơi khác. Ví dụ với mạng xã hội Facebook, hầu hết cộng đồng đầu tư vào công ty khi nó IPO trên sàn giao dịch Nasdaq. Tuy nhiên, lúc đó, vốn hóa Facebook đã khá lớn, chỉ những quỹ tên tuổi từng tiếp cận Mark Zuckerberg từ sớm mới mua được cổ phiếu Facebook với giá thực sự tốt. Công nghệ Blockchain mang đến cơ hội đầu tư sớm cho tất cả mọi người”, ông Hưng nói.

logoMẠNG XÃ HỘI TIN TỨC BLOCKCHAIN, CÔNG NGHỆ, TÀI CHÍNH SỐĐịa chỉ: Tầng 6, Toà nhà ADG, 37 Lê Văn Thiêm, Thanh Xuân, Hà Nội - Điện thoại: 024 6687 6797 Chịu trách nhiệm nội dung: Nguyễn Minh

Giấy phép số: 497/GP - BTTTT, do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/10/2022
© 2022 - Toàn bộ bản quyền thuộc về Cryptoday Việt Nam
Tải ứng dụng Cryptoday
downloaddownload