Trong báo cáo mới nhất của đội ngũ UniSwap Labs, thị trường tiền điện tử đang tồn tại một nghịch lý chưa thể giải quyết. Theo đó, nhà đầu tư tham gia vào hệ sinh thái phi tập trung, nhưng lại thích sử dụng các ứng dụng tài chính tập trung (CeFi).
UniSwap đánh giá ưu điểm của tài chính phi tập trung (DeFi) là minh bạch, tự quản lý, loại bỏ vai trò của đơn vị trung gian, những đơn vị thường xuyên quan tâm tới lợi nhuận hơn khách hàng. Tuy nhiên, với đa số người dùng mới, DeFi vẫn xa lạ như Internet vào thập niên 90. Việc kết nối các nền tảng Layer2 cũng khó như dùng loại điện thoại quay số và khám phá công cụ Etherscan cũng phức tạp như lướt web khi chưa có trình duyệt tìm kiếm.
UniSwap giải thích, các nền tảng CeFi thu hút khách hàng do cách hoạt động đơn giản. Nhờ vậy, họ có thể cung cấp nội dung, các bài hướng dẫn giúp người mới cảm thấy thoải mái khi bắt đầu giao dịch tiền điện tử. Về lâu dài, CeFi dễ rơi vào tình trạng thiếu trách nhiệm với tài sản của khách, tương tự hệ thống tài chính truyền thống. Những trường hợp như FTX, Celsisus, Voyager đều là ví dụ về hậu quả khi người giám sát nắm quá nhiều quyền lực.
Để tìm hiểu về thực trạng này, UniSwap đã tiến hành khảo sát trên cộng đồng nhà đầu tư tại Mỹ. Tổng cộng, đội ngũ UniSwap Labs nhận về 1.860 phản hồi từ 4 tệp người dùng lớn bao gồm:
- Người dùng DeFi: Những người từng giao dịch qua ví tiền điện tử hoặc các nền tảng DeFi trong 12 tháng qua.
- Người dùng CeFi: Những người mua, nắm giữ, trao đổi tiền điện tử qua nền tảng CeFi trong 12 tháng qua.
- Người dùng kết hợp: Những người sử dụng cả DeFi và CeFi
- Người không dùng tiền điện tử
Kết quả khảo sát của UniSwap chỉ ra những điểm mà ứng dụng tài chính phi tập trung (DeFi) có thể cải thiện nhằm lôi kéo thêm khách hàng trong tương lai.
Xem thêm: DeFi bùng nổ: Tại sao LSD là chất xúc tác tăng giá?
Người dùng CeFi luôn sẵn sàng chuyển sang DeFi
Theo đội ngũ UniSwap Labs, phát hiện đáng khích lệ nhất bao gồm việc khách hàng sẵn sàng chuyển sang sử dụng DeFi bất chấp bối cảnh thị trường giảm giá.
Cụ thể, UniSwap đã đặt ra câu hỏi: “Đâu là lý do chính khiến bạn giao dịch bằng DeFi trong 12 tháng tới?”.

Kết quả cho thấy, cả nhóm “người dùng DeFi” và “nhóm người dùng CeFi” đều hứng thú với những trải nghiệm mới mà DeFi có thể mang lại.
Trên thực tế, những thao tác như sử dụng ví điện tử cá nhân hóa, swap token trên DeFi, đúc các tác phẩm NFT vốn quen thuộc với nhà đầu tư kinh nghiệm, nhưng lại mang đến hứng thú cho người mới.
Xếp kế đó, các dịch vụ tài chính như staking, farming, cho vay,… của DeFi cũng là điểm thu hút nhóm “người dùng CeFi”. Hiện nhiều nền tảng CeFi cung cấp tính năng tương tự, nhưng ở quy mô nhỏ và có các điều kiện ràng buộc.
Xếp cuối bảng khảo sát, việc tương tác trực tiếp với mạng lưới Blockchain, khai thác các dữ liệu on-chain là lợi thế đặc biệt của DeFi, nhưng cũng là khía cạnh ít được khách hàng coi trọng.
Người dùng CeFi coi sự phức tạp và chi phí cao là rào cản
Ở câu hỏi thứ 2, UniSwap tìm hiểu về nguyên nhân khiến khách hàng e dè các ứng dụng DeFi: “Đâu là lý do chính khiến bạn không sử dụng ứng dụng phi tập trung cho tất cả các giao dịch tiền điện tử của mình?”

Phần lớn khách hàng đồng ý mức phí giao dịch cao của DeFi là rào cản. Bên cạnh đó, người mới còn gặp trở ngại do không thể mua được token ở mức giá tốt trong nhiều trường hợp. Với các token có thanh khoản thấp, khách hàng thậm chí bị tổn thất tài sản do trượt giá hoặc các bot tự động.
Nguyên nhân tiếp theo là sự phức tạp của DeFi. Khách hàng thừa nhận họ chưa thể hiểu hết các chức năng trên hệ thống DeFi. Trong khi đó, sàn giao dịch CeFi đủ đáp ứng nhu cầu cơ bản. Một số khách hàng cho rằng việc phải tự quản lý “chuỗi ký tự bảo mật” khá phiền toái và có thể khiến họ đánh mất tiền. Ngoài ra, ở một vài nước, quá trình sử dụng sàn DEX còn đi kèm với rắc rối về pháp lý.
Theo UniSwap, trước mắt, nhờ sự đóng góp của các nền tảng Layer2, chi phí giao dịch sẽ là vấn đề đầu tiên mà các nhà phát triển DeFi có thể giải quyết, qua đó thu hút thêm tệp người dùng.
DeFi cần tăng cường dịch vụ hỗ trợ khách hàng
Ở câu hỏi cuối, đội ngũ nghiên cứu của UniSwap đặt vấn đề: “Điều gì sẽ làm tăng mức độ giao dịch trên DeFi của bạn trong 12 tháng tới?”

Nhà đầu tư muốn các nền tảng DeFi có thêm các chương trình giáo dục, hướng dẫn về tài chính phi tập trung. Đồng thời, DeFi đang thiếu tính năng chăm sóc khách hàng. Đây là điều các sàn giao dịch tập trung (CeFi) đang làm tốt.
Bên cạnh đó, nhà đầu tư kỳ vọng nền tảng DeFi cải thiện một số điểm như:
- Giao diện sử dụng ví tiền điện tử
- Chủ động kiểm soát quyền riêng tư
- Cập nhật giá các đồng tiền điện tử lớn, ví dụ: BTC,…
- Cập nhật giá các token đang thu hút sự chú ý
- Thêm phương thức thanh toán, ví dụ: P2P,…
- Hỗ trợ quản lý mật khẩu cá nhân, private keys
- Cộng tác với các thương hiệu tiêu dùng lớn