Theo hãng tin TASS, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương Nga, Elvira Nabiullina cho biết, quốc gia này hiện đang xây dựng một dự luật cho phép giao dịch xuất nhập khẩu bằng tiền điện tử với các tổ chức nước ngoài. Tuy nhiên, phạm vi hoạt động được phép vẫn đang được phát triển. Các quy tắc mới ban đầu sẽ cho phép các công ty có quan hệ với nhà nước tham gia khai thác. Kế hoạch này sẽ được thử nghiệm trong thời gian tới.
“Chúng tôi tuân thủ quan điểm rằng tiền điện tử không nên được sử dụng trong nước. Tuy nhiên đối với các khu định cư nước ngoài, chúng tôi cho rằng điều này có thể thực hiện được dưới hình thức thử nghiệm”, theo báo cáo.
Theo bà Elvira Nabiullina, kế hoạch này bao gồm việc thành lập các tổ chức được ủy quyền đặc biệt để khai thác tiền điện tử và giải quyết những vấn đề thanh khoản quốc tế.

Phó chủ tịch Ngân hàng Nga, Aleksey Guznov cho biết, các ngân hàng đang đàm phán với chính phủ về cách thức hoạt động của các công ty trong nước.
“Hiện tại, một cuộc thảo luận đang được tiến hành với chính phủ để làm rõ phạm vi hoạt động của các công ty”, Guznov chia sẻ. Đồng thời cho biết các công ty tư nhân có thể đóng góp vào những sáng kiến đó trong tương lai.
Trong một cuộc phỏng vấn với Cointelegraph, Giám đốc điều hành của Hiệp hội tiền điện tử và tài sản kỹ thuật số toàn cầu, Gabby Kusz chia sẻ rằng, Nga, Trung Quốc và các quốc gia khác đang nhận ra rằng “tiền điện tử không phải là một sản phẩm tài chính mới, mà là một thay đổi cơ bản, một sự phát triển dành cho các cá nhân và tổ chức trao đổi”.
Bà cũng nhấn mạnh rằng, phong trào này có thể tác động đến hệ thống tài chính toàn cầu, đặc biệt là sự kiểm soát của Mỹ đối với tương lai của ngành tài chính trong kỷ nguyên kỹ thuật số.
“Các hoạt động này đang tích cực thúc đổi sự đổi mới cho lĩnh vực tiền điện tử và công nghệ Blockchain. Các doanh nhân ở nước ngoài đang làm giảm khả năng kiểm soát của Mỹ về mặt chính trị và các quan điểm chính sách tiền tệ”, bà Gabby Kusz cho biết.
Động thái mới này của Nga được diễn ra khi các nước như Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi đang nỗ lực tạo ra đồng tiền kỹ thuật số của riêng họ, tạo sự thuận lợi cho thương mại.

Trước đó, Iran cũng cho phép thanh toán hóa đơn nhập khẩu bằng tiền điện tử. Cụ thể, theo tờ Tasnim đưa tin, Iran đã đặt đơn nhập khẩu bằng tiền điện tử đầu tiên trị giá 10 triệu USD. Đây được cho là bước đầu tiên mà Iran hướng tới giao dịch thông qua tài sản số nhằm tránh sử dụng hệ thống tài chính toàn cầu mà vẫn giao dịch được với các nước.
Trên thực tế, Tổng thống Nga, ông Putin đã có ý định chấp nhận tiền điện tử từ lâu khi yêu cầu Ngân hàng Trung ương và Bộ Tài chính thảo luận thêm về vấn đề tiền mã hóa.
“Chúng ta vẫn có những lợi thế cạnh tranh nhất định trong lĩnh vực ấy, đặc biệt là trong mảng đào tiền mã hóa. Nước Nga sở hữu nguồn điện năng dồi dào và nhân lực chất lượng cao so với các quốc gia khác", Tổng thống Putin cho biết.
Tuy nhiên, trái ngược với sự ủng hộ này của ông Putin, Ngân hàng Trung ương Nga lại có cái nhìn “tiêu cực” về tiền điện tử. Theo đó, Ngân hàng Trung ương nước này đã đề xuất cấm thẳng tay crypto và cho rằng tiền điện tử là một hình thức đầu tư nặng tính đầu cơ vì có thường xuyên biến động dữ dội và tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với sự ổn định tài chính quốc gia.
Điều này hoàn toàn giống với lệnh cấm của Trung Quốc vào tháng 9/2021. Cụ thể, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) cấm tất cả các hoạt động liên quan tiền điện tử với lý do nhằm ngăn chặn các hoạt động tội phạm tài chính cũng như rủi ro ngày càng tăng đối với hệ thống tài chính do bản chất đầu cơ cao của các đồng tiền này. Điều này không bất ngờ, khi trước đó vào năm 2017, chính phủ nước này đã ban hành lệnh cấm giao dịch crypto trên toàn quốc.