Đây là bước đột phá đáng chú ý của Uniswap, đánh dấu sự tham gia vào hệ sinh thái trên iOS với lượng người dùng đông đảo. Được biết kế hoạch này bắt đầu từ tháng 3 nhưng thời điểm đó Apple vẫn e ngại việc để các sản phẩm liên quan đến tiền điện tử lên App Store.
“Chúng tôi gửi yêu cầu lên Apple vài tháng trước và đảm bảo tuân thủ các quy định nhưng không được chấp thuận”, Uniswap cho biết.
Sau động thái này, “ví di động Uniswap đang hoạt động trên hầu hết quốc gia”, sàn giao dịch chia sẻ.
Các tính năng như giao dịch tài sản kỹ thuật số, theo dõi hoạt động ví và dữ liệu NFT cũng được ứng dụng hỗ trợ.
Trước khi trì hoãn việc xét duyệt ví Uniswap, Apple được biết đến với những kiểm duyệt nghiêm ngặt. Tháng 10/2022, Apple sửa đổi nguyên tắc của mình trong đó đề cập đến NFT. Apple cho biết, ứng dụng có thể tạo điều kiện cho các giao dịch miễn là "chúng được cung cấp ở các quốc gia, khu vực được cấp phép”.

Apple cũng từng khiến người dùng phát hoảng vì mức phí giao dịch NFT quá cao, lên đến 30%. Tờ The Information nhận định, mức phí giao dịch 30% là quá cao và nhiều dự án sẽ cầm chắc thua lỗ nếu chấp nhận mở bán qua App Store. Không những vậy, theo chia sẻ của một số khách hàng, con số này còn bị đẩy lên tùy trường hợp.
“Mức phí còn đạt đến 35% nếu bạn sống tại các khu vực đặc biệt. Đôi khi, người bán còn phải trả thêm tiền cho quảng cáo”, FOSS Patents, một người nổi tiếng với những video chia sẻ nội dung về công nghệ nói.
Để tiện so sánh, The Information cũng cung cấp thông tin về phí giao dịch ở các chợ trực tuyến nổi tiếng khác. Điển hình phải kể đến Opensea, sàn giao dịch NFT lớn nhất thế giới hiện tại chỉ áp mức phí nhỏ hơn 5%. Với các nền tảng ít tên tuổi hơn, mức phí còn có thể dưới 2,5%.
Bên cạnh đó, hãng Apple cũng không cho phép thanh toán giao dịch NFT bằng tiền điện tử. Khách hàng có nhu cầu mua bán buộc phải đổi sang USD hoặc một số loại tiền pháp định khác.
Để phản đối lại mức phí vô lý trên của Apple, các dự án NFT đã đồng loạt rút sản phẩm của mình khỏi App Store. Magic Eden, ứng dụng hỗ trợ trao đổi NFT chạy trên Blockchain Solana chấp nhận “dứt áo ra đi” mặc dù hãng Apple gợi ý giảm phí hoa hồng xuống 15% với riêng nền tảng này.
Cuộc tranh cãi trở nên căng thẳng hơn khi xuất hiện ý kiến cho rằng đội ngũ Apple cố tình yêu cầu mức phí vô lý nhằm cản trở các ứng dụng NFT xây dựng hệ thống thanh toán của riêng mình. Điều này từng xảy ra trước đây trong vụ kiện giữa hãng Epic Games và Apple. Thời điểm đó, Epic Games muốn khách hàng mua bán vật phẩm ảo trực tiếp qua trò chơi Fortnite, tuy nhiên, Apple lại “bắt ép” người dùng sử dụng hệ thống App Store để giao dịch. Kết thúc vụ việc, Epic Games thua kiện và tựa game Fortnite bị xóa vĩnh viễn khỏi ứng dụng do Apple cung cấp.
Tháng 12/2022, Apple chặn tính năng giao dịch NFT của Coinbase. Theo đó, vào này 1/12/2022, Coinbase Wallet (trang Twitter chính thức của sàn Coinbase) cho biết Apple đã chặn việc phát hành ứng dụng mới nhất của mình trong nỗ lực thu 30% phí giao dịch. Theo Coinbase Wallet, người dùng là những đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi quyết định này của Apple. Những người sử dụng iPhone sẽ thấy “khó khăn hơn rất nhiều khi chuyển NFT sang các ví khác”. Coinbase nói thêm rằng việc chặn giao dịch NFT là một sự giám sát và kêu gọi Apple liên lạc với công ty để trao đổi.