Ông Phan Minh Đạt, đại diện DTS Group, Phó chủ tịch CLB phát triển Blockchain bền vững (VINASA) cho rằng, việc ứng dụng công nghệ Blockchain vào ngành dệt may sẽ tạo ra nhiều tiềm năng và cơ hội hơn. Công nghệ Blockchain như một cuốn sổ cái, được lưu trữ và truyền tải một các minh bạch, toàn vẹn, không thể thay đổi hay gian lận được. Do đó, Blockchain giúp việc truy xuất nguồn gốc và quản lý các sản phẩm vải trở nên dễ dàng hơn.
"Ngành công nghiệp dệt may là một trong những ngành phân mảnh nhất trên hành tinh. Chuỗi cung ứng cho một mặt hàng quần áo đơn giản có thể liên quan đến 7 công đoạn sản xuất khác nhau ở nhiều quốc gia. Vật liệu thô đôi khi phải qua tay tới 10 công đoạn trước khi nó được chuyển đổi thành một chiếc áo thun", ông Amit Gautam chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn với CNN.

Việc sử dụng NFT, một loại token mã hóa trên Blockchain, khi được gán vào các sản phẩm có thể giúp theo dõi toàn bộ quy trình sản xuất, quản lý khối lượng vật liệu và phân phối sản phẩm. NFT có nhiệm vụ như một sổ cái đảm bảo tính xác thực của tài sản lẫn chủ sở hữu. Mỗi token NFT được đúc có một mã định danh riêng độc nhất và thuộc về một chủ sở hữu duy nhất.
Ngoài ra, NFT có thể được sử dụng để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của những nhà thiết kế trong ngành công nghiệp thời trang. Nhiều nhà mốt đã nghĩ đến chuyện sử dụng NFT như một cách để thúc đẩy doanh số của những sản phẩm vật lý độc quyền.
NFT đóng vai trò như giấy chứng nhận sản phẩm chính hiệu, nói không với hàng giả, giúp xác thực tính độc quyền của các sản phẩm giới hạn. Mỗi sản phẩm được đính một NFT duy nhất sẽ làm cho việc sản xuất hàng giả trở nên khó khăn hơn.
"Con đường ngắn nhất để đưa doanh nghiệp dệt may, thời trang đến với thành công chính là ứng dụng khoa học, trong đó hàng đầu là ứng dụng công nghệ Blockchain, thông qua đó thúc đẩy sản xuất, vận hành, nâng cao chất lượng sản phẩm và nâng cao hiệu quả của hệ thống phân phối bán lẻ", ông Phan Ngọc Vũ, Giám đốc của CSE Singapore chia sẻ tại tọa đàm “Ứng dụng công nghệ thời 4.0 vào ngành dệt may và bán lẻ thời trang Việt Nam”, diễn ra vào tháng 1/2020.

Các thương hiệu xa xỉ cũng ứng dụng Blockchain để truy xuất nguồn gốc quần áo, theo dõi tính xác thực và quy trình sản xuất sản phẩm. Công ty TextileGenesis đã sử dụng công nghệ Blockchain để tạo ra một bản ghi vĩnh viễn, giúp các thương hiệu theo dõi quá trình để truy xuất nguồn gốc quần áo.
"Blockchain cho phép họ xem chính xác nơi sợi được kéo thành sợi, nơi sợi được dệt và nơi sản xuất thànhphẩm cuối cùng", Phó chủ tịch quản lý kinh doanh toàn cầu của Lenzing, Florian Heubrandner, cho biết.
Louis Vuitton cũng “bắt tay” với thương hiệu Prada và Catier, thành lập Aura Blockchain Consortium (ABC), nền tảng phi lợi nhuận nhằm thiết lập các bản sao kỹ thuật số cho các sản phẩm của họ để truy xuất nguồn gốc quần áo. Aura đã đưa ứng dụng này lên kho lưu trữ đám mây, nhờ đó các thương hiệu có thể thêm thông tin sản phẩm mà không cần có kiến thức về Blockchain, giúp bảo vệ an toàn dữ liệu của thương hiệu và người tiêu dùng.